Người Giữ Màu Di Sản 02
Nội Dung Có Trong Bài Viết
Người Giữ Màu Di Sản Số 02
Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất sinh năm 1934. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống . Anh trai ông là cụ Nguyễn Văn Hiếu ( một cung văn nổi tiếng ở đất Hà Thành xưa).
Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất được giời phú cho ngón đàn ngọt và giọng hát mộc mạc. Ông được thừa hưởng những ngón nghề từ gia đình truyền lại. Ông được trời phú cho đôi bàn tay khác thường. Theo quan sát của tôi, ngón tay của Ông dày, to hơn hẳn những người bình thường. Vì vậy khi chơi đàn những ngón Hát văn nhấn nhá của ông rất lạ mà không có mấy ai làm được.
Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất theo anh trai đi làm từ nhỏ, trông nom rất nhiều ngôi đền, điện thờ Mẫu. Trong lần các cung văn ở Hà Nội tổ chức cuộc hát văn thi năm 1993 tại đền Sòng vọng-phố Tôn Đức Thắng, ông đã xuất sắc đoạt giải nhất với bản văn chầu kinh điển “Văn Mẫu Thoải”.
Cùng với Lão nghệ nhân Hoàng Trọng Kha, lão nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất là nhân chứng sống vẫn còn gìn giữ những tinh hoa trong nghệ thuật hát văn chầu nói chung và hát văn thờ, hát văn thi nói riêng.
Một buổi gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất
Hát văn thờ-Hát văn thi ở Hà Nội.
Tại Hà Nội, sinh hoạt hát văn thờ từng diễn ra khá sôi động vào nửa đầu TK XX. Các địa điểm thường xuyên tổ chức hát văn thờ là đền Quán Thánh, điện Mẫu trong chùa Huyền Thiên (phố Hàng Khoai), phủ Tây Hồ, đền Dâu (phố Hàng Quạt), điện Mẫu chùa Vĩnh Trù (phố Hàng Lược), Đền thờ bà Lý Chiêu Hoàng (phố Hàng Bún)… Theo lời kể của cố nghệ nhân Lê Bá Cao, bên cạnh hát văn thờ, hát văn thi vẫn được tổ chức cho đến những năm 1949, 1950. Hàng năm vào ngày tiệc, người ta thường lấy bản văn sự tích đền ra làm nội dung cho hát văn thi. Có thể nói, hát văn thi chính là động lực để đem đến sự tồn tại và phát triển cho hát văn thờ.
Thời điểm đó, hát văn thờ luôn được các cung văn chú trọng, và cũng tại đây, đã xuất hiện nhiều cung văn nổi tiếng như Đào Văn Sinh (Sinh lớn), Nguyễn Văn Sinh (Sinh con), Phạm Kim Lân, Lê Văn Phụng, Tư Quất, Phạm Văn Khiêm… Với lòng nhiệt thành yêu vốn cổ, một vài người còn sáng tác các bản văn phụng thờ thánh, tiêu biểu là ông Phạm Văn Khiêm viết bản Giáng tiên kỳ lục kể sự tích Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Tây Hồ, Giảo long hầu về quan đệ ngũ Tuần Tranh. Bài bản của hát văn thờ vốn là khuyết danh, thì đến thời điểm này đã ghi nhận thêm một số tác phẩm có tên người sáng tác.
Từ những năm 50 đến 80 TK XX, sinh hoạt hát văn nói chung, hát văn thờ nói riêng khá ảm đạm. Các hoạt động lên đồng giảm bớt, nhưng không hoàn toàn mất đi. Nhiều ông, bà đồng vẫn tiếp tục tổ chức lên đồng với quy mô nhỏ ở những nơi hẻo lánh, vào buổi tối muộn, gọi là hầu vụng, thậm chí để đảm bảo bí mật, trong khi hát người ta không dùng nhạc cụ, gọi là hầu vo. Hát văn hầu dù bị cấm đoán gắt gao vẫn len lỏi tồn tại, nhưng hát văn thờ và hát văn thi là những sinh hoạt khá quy mô của tín ngưỡng Tứ phủ thì hoàn toàn không được tổ chức.
Sau những năm 80 TK XX, hát văn cùng nhiều thể loại âm nhạc tín ngưỡng khác được phục hồi. Đáng tiếc là, nếu đầu TK XX còn có đủ ba hình thức hát văn thờ, văn hầu, văn thi, thì nay chỉ thấy sự thống lĩnh của hát văn hầu (phục vụ cho nghi thức hầu bóng), còn hát văn thờ (dâng bản văn sự tích để ca ngợi công đức của vị thánh hoặc hát bản văn Công đồng để thỉnh các vị thần về chứng giám) lui vào hậu trường và hát văn thi (thường tổ chức vào những ngày lễ lớn để so tài cung văn) thì mất hẳn.
Share on Facebook Share on Google + Share on twitter Share on linkedin Share on Pinterest Share on Reddit Share on Tumblr