Nguồn Gốc Đàn Nguyệt
Nội Dung Có Trong Bài Viết
NGUỒN GỐC ĐÀN NGUYỆT
Để hiểu rõ hơn về cây quân tử cầm ( đàn nguyệt ), chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc của cây đàn nguyệt.
Đàn nguyệt là nhạc cụ đi giai điệu chủ chốt trong dàn nhạc Hát văn thờ. Đàn nguyệt còn được gọi là đàn song vận (đàn 2 dây), nguyệt cầm (cây đàn hình mặt trăng), đàn kìm (từ miền trung trở vào) là một trong những nhạc cụ đặc sắc của người Việt đã gắn bó với lịch sử dân tộc từ khá sớm. Tại bệ đá ở chân cột chùa Phật tích (huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc) được xây dựng vào thời Lý thế kỷ XI, còn ghi lại hình ảnh hòa tấu ban nhạc trong đó có đàn nguyệt và các nhạc cụ khác như sáo dọc, sáo ngang, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, trống bản, trống cơm. Đàn nguyệt có mặt trong hòa tấu cổ truyền của người Việt như trong hát văn, phường bát âm ngoài miền Bắc, nhạc tính phòng Huế, nhạc Tài tử Nam Bộ, nhạc Cải Lương, dàn Nhã nhạc cung đình.
Theo Giáo sư Trần Văn Khê, đàn nguyệt của người Việt có nguồn gốc từ cây nguyệt cầm (Yue k’in) của người Trung Hoa do Nguyễn Hàn tự là Trọng Dung đời nhà Tấn chế tạo ra. Nguyệt cầm của Trung Hoa có mặt đàn hình tròn tựa mặt trăng, được làm từ gỗ cây ngô đồng, có 4 dây, gắn phím thấp và đánh theo thất cung. Khi vào tới Việt Nam, đàn nguyệt đã được biến đổi để phù hợp với thẩm âm của người Việt, mặt đàn vẫn hình tròn, một số đàn vẫn giữ 4 tai nhưng rút xuống còn 2 dây, cần đàn dài hơn, phím đàn gắn cao hơn để có thể diễn tả những kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy và đánh theo ngũ cung. Theo một số nghệ nhân, đàn nguyệt trong Hát văn thờ phổ biến lên dây theo hai kiểu chính là dây bằng (dây quãng 5) và dây lệch (dây quãng 4). Dây bằng thường được sử dụng khi hát các làn điệu Thổng, Phú bình, Phú chênh, Phú dầu, Phú nói, Đưa thư, Vãn, Dọc, Hãm, Kiều dương, Dồn. Dây lệch đối với các làn điệu Bỉ, Miễu, Cờn. Như vậy, kiểu dây bằng chiếm ưu thế trong âm nhạc Hát văn thờ.
CẤU TẠO ĐÀN NGUYỆT CÓ NHỮNG BỘ PHẬN CHÍNH NHƯ SAU:
– Bầu vang đàn nguyệt: Bộ phận hình tròn ống dẹt, đường kính mặt bầu 30 cm, thành bầu 6 cm. Nền mặt bầu vang có bộ phận nằm phía dưới gọi là ngựa đàn (cái thú) dùng để mắc dây. Bầu vang không có lỗ thoát âm.
– Cần đàn nguyệt (hay dọc đàn): làm bằng gỗ cứng, dài thon mảnh, bên trên gắn 8-11 phím đàn, trước đây chỉ gắn 8 phím (nay những người chơi nhạc tài tử Nam bộ vẫn thường dùng đàn 8 phím). Những phím này khá cao, nằm xa nhau với khoảng cách không đều nhau.
– Đầu đàn nguyệt: hình lá đề, gắn phía trên cần đàn, nó có 4 hóc luồn dây và 4 trục dây, mỗi bên hai trục.
– Dây đàn nguyệt: có 2 dây, trước đây làm bằng dây tơ, ngày nay thường làm bằng dây nilon. Tuy có 4 trục đàn nhưng người ta chỉ mắc 2 dây (một dây to một dây nhỏ). Cách chỉnh dây thay đổi tùy theo người sử dụng. Có khi 2 dây cách nhau quãng 4 đúng, có khi cách quãng năm đúng hoặc quãng bảy hay quãng tám đúng. Song cách thông dụng nhất vẫn là lên dây theo quãng năm đúng. Đàn nguyệt là nhạc cụ khảy dây, được dùng thường xuyên trong ban nhạc chầu văn, tài tử, phường bát âm và trong nhiều dàn nhạc dân tộc khác.
KHẢ NĂNG TRÌNH DIỄN CỦA ĐÀN NGUYỆT
Nhìn chung đàn nguyệt có âm sắc trong sáng, ở khoảng âm thấp thì hơi đục. Nó có thể diễn đạt nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, từ dịu dàng, mềm mại đến rắn rỏi, rộn ràng.
Ngày xưa người biểu diễn nuôi móng tay dài để khảy đàn nguyệt, ngày nay miếng khảy đàn đã giữ nhiệm vụ này. Một số kỹ thuật sử dụng tay phải trong đàn nguyệt như sau:
– Ngón phi: lối đánh cổ truyền, không dùng miếng khảy mà sử dụng những ngón tay vẩy liên tiếp nhanh trên dây đàn, hiện quả âm thanh gần giống như ngón vê. Ngón phi có hai cách diễn:
+ Phi lên: thường sử dụng trên một dây đàn, bắt đầu từ ngón út rồi lần lượt những ngón khác hất vào dây đàn.
+ Phi xuống: sử dụng trên cả 1 dây đàn hoặc trên cả 2 dây. Phi xuống là vẫy nhanh các ngón tay vào dây đàn, bắt đầu từ ngón út (có khi bắt đầu từ ngón trỏ) rồi lần lượt những ngón khác khảy dây đàn.
Khi biểu diễn ngón phi người ta dùng 4 ngón tay (không sử dụng ngón tay cái). Nếu đánh bằng miếng khảy đàn họ chỉ sử dụng 3 ngón vì ngón cái và ngón trỏ phải giữ miếng khảy.
– Ngón vê: khảy liên tiếp trên dây đàn. Kỹ thuật này thường dùng trong nhạc hát văn. Cách vê có thể bằng móng tay hay miếng khảy, vê 1 dây hoặc 2 dây đều được.
– Ngón gõ: dùng những ngón tay phải gõ vào mặt đàn, mục đích để báo hiệu cho hát, cho các nhạc khí khác hòa tấu hoặc điểm giữa những nhạc cụ, đoạn nhạc hay những lúc các nhạc cụ khác ngưng hoạt động.
– Bịt: làm âm thanh vừa vang lên liền tắt đột ngột. Kỹ thuật sử dụng tay trái trong đàn nguyệt gồm có 12 cách: ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến, nhấn luyến, ngón láy, ngón láy rền và ngón láy giật. Trước đây người ta ít sử dụng ngón vuốt, nhưng ngày nay có thể xem nó là kỹ thuật số 9 của tay trái. Kế tiếp là ngón bật dây, âm bội và đánh chồng âm (hợp âm).
Theo ( dudaone.com )